câu hỏi dự thi ” Tìm hiểu luật dân sự 2015″ y/c CBGV làm bài dự thi
Lượt xem:
CÂU HỎI CUỘC THI
“TÌM HIỂU BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015”
Câu 1
Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực từ ngày tháng năm nào? được chia thành mấy phần, mấy chương, bao nhiêu điều và có phạm vi điều chỉnh như thế nào?
Hãy nêu các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015? So với Bộ luật Dân sự năm 2005, các nguyên tắc này được sửa đổi, bổ sung như thế nào?
Câu 2
Việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như thế nào? Tại Khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, vậy trong trường hợp này, tòa án sẽ áp dụng các căn cứ nào để giải quyết?
Câu 3
Hãy trình bày các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân? So với Bộ luật Dân sự năm 2005, các quy định này có những sửa đổi, bổ sung nào?
Câu 4
Quyền nhân thân là gì? Hãy nêu nội dung các quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015? Trong các quyền nhân thân đó, hãy kể tên các quyền nhân thân mới được bổ sung so với Bộ luật Dân sự năm 2005?
Câu 5
Giao dịch dân sự là gì? Trong trường hợp nào giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu? Hãy nêu hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015?
Câu 6
Căn cứ xác lập quyền sở hữu được quy định như thế nào trong Bộ luật Dân sự năm 2015? Hãy nêu các quy định về xác lập quyền sở hữu đối với các trường hợp cụ thể?
Câu 7
Nghĩa vụ dân sự là gì? Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ những căn cứ nào? Có bao nhiêu biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự?
So với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung các biện pháp bảo đảm mới nào? Hãy nêu các quy định mới về các biện pháp bảo đảm đó?
Câu 8
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bao nhiêu loại hợp đồng dân sự thông dụng? Hãy nêu tên, khái niệm các loại hợp đồng này? Hợp đồng thông dụng nào là loại hợp đồng mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005? Việc thực hiện hợp đồng dân sự khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như thế nào?
Câu 9
Thừa kế theo di chúc được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như thế nào? So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bãi bỏ, bổ sung, làm rõ quy định nào?
Câu 10
Chị H và chị K là bạn thân của nhau làm cùng cơ quan nên khi chị K làm nhà, chị H đã cho chị K vay 100 triệu đồng để xây nhà và thỏa thuận khi nào có điều kiện chị K sẽ trả nợ và không tính lãi. Đến nay, chị K đã làm nhà xong được 1 năm. Con chị H chuẩn bị lấy vợ, chị H cần dùng số tiền nói trên để trang trải chi phí đám cưới vào cuối năm 2018 nên chị H đã gặp chị K đề nghị thu xếp trả số tiền chị H đã cho vay trước khi tổ chức đám cưới. Vậy, việc làm của chị H có phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 không? Vì sao?
Câu 11
Ngày 15/3/2017, chị A đến nhà người quen là chị B chơi. Khi ra về, chị A sơ ý để quên túi xách tại nhà chị B trong đó có 1.800.000 đồng. Ngay sau đó, C là cháu của chị B, dẫn bạn là D, E đến nhà chị B chơi thì phát hiện túi xách của chị A để quên có tiền, C, D, E đã cùng nhau thỏa thuận lấy hết số tiền đó để đi chơi và đã tiêu hết số tiền này.
Sau khi biết tin, chị A đã yêu cầu C, D, E phải trả lại tiền cho mình. Theo thỏa thuận, C, D, E sẽ phải trả 1.800.000 đồng cho chị A vào ngày 25/4/2017 tại nhà chị B (mỗi người phải trả 600.000 đồng). Tuy nhiên, đến ngày 25/4/2017, mới chỉ có D trả 600.000 đồng cho chị A, còn C và E vẫn chưa trả tiền. Do nể tình C là cháu của chị B, chị A không yêu cầu C phải trả tiền cho mình và yêu cầu D phải thay E trả cho mình 600.000 đồng là phần nghĩa vụ của E.
Bằng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, anh (chị) hãy:
1. Xác định quan hệ dân sự giữa chị A với C, D và E? Căn cứ nào phát sinh quan hệ dân sự đó và trách nhiệm thực hiện quan hệ dân sự trong trường hợp này?
2. Việc chị A không yêu cầu C phải trả tiền cho mình và yêu cầu D phải thay E thực hiện phần nghĩa vụ của E có phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 không? Vì sao? Giữa D và E có phát sinh quan hệ dân sự nào không? Tại sao?
Câu 12
Theo bạn, mỗi người dân có trách nhiệm làm gì để thi hành hiệu quả Bộ luật Dân sự năm 2015?
(Riêng câu 12 viết không quá 1.000 từ tương đương 3 trang A4, viết tay hoặc đánh máy, cỡ chữ 14 Times New Roman)./.