CV hướng dẫn XD môi trường văn hóa trong trường học ( BGD&ĐT )

Lượt xem:

Đọc bài viết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 282 /BGDĐT-CTHSSV

V/v đẩy mạnh xây dựng môi trường

văn hóa trong trường học

Hà Nội, ngày  25 tháng  01 năm 2017

 

Kính gửi:  

– Các sở giáo dục và đào tạo;

– Các đại học, học viện, các trường đại học; cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.

 

 

Thời gian qua, hầu hết các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (sau đây gọi tắt là các cơ sở đào tạo) đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động giáo dục, các nhà trường đã chú trọng tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ; từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh, sinh viên phát huy tính tích cực trong học tập, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp; hệ thống các khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường được sử dụng nhìn chung phù hợp và phát huy hiệu quả giáo dục; khuôn viên nhà trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống thư viện, hạ tầng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường giáo dục; đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo tích cực học tập, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, giáo dục. Môi trường văn hóa học đường, bao gồm cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ở một số nhà trường chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của việc giáo dục HSSV thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa; nội dung, hình thức tổ chức hoạt động chưa phù hợp, một số hoạt động văn hóa còn mang tính hình thức, thiếu sáng tạo và ít đem lại hiệu quả giáo dục, thậm chí gây quá tải, khó khăn cho người học. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa ở một số cơ sở giáo dục còn nặng về hình thức, chưa có sự đầu tư đúng mức, nội dung chưa cụ thể, giáo điều, chưa phù hợp với các bậc học…. Ở một số nhà trường, quan hệ ứng xử giữa các thành viên chưa chuẩn mực, chưa theo đúng tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Việc sử dụng khẩu hiệu vẫn còn tình trạng lạm dụng số lượng, nội dung chưa phù hợp lứa tuổi, điều kiện văn hóa các vùng miền…

Để xây dựng mỗi trường học trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở đào tạo triển khai các nhiệm vụ sau:

  1. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa

– Các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nội dung và hình thức phù hợp với tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, đối tượng tham gia và điều kiện thực tế của địa phương.

– Mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng hệ giá trị, văn hóa đạo đức cốt lõi làm chuẩn mực, để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

– Các cơ sở đào tạo cần xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để tập hợp thu hút và giáo dục toàn diện đối với người học, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

– Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục và xây dựng môi trường văn hóa trường học. Tăng cường kiểm tra đôn đốc; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

  1. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học

Quy tắc ứng xử trong trường học là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập…, nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường. Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa cần lưu ý một số vấn đề sau:

2.1. Nguyên tắc xây dựng bộ quy tắc ứng xử

  1. i) Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách HSSV;
  2. ii) Phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận.

iii) Phù hợp với quy định của pháp luật.

  1. iv) Phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, ngành Giáo dục; đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi.
  2. iv) Bảo đảm tính dân chủ và nhân văn.

2.2. Yêu cầu đối với bộ quy tắc ứng xử

  1. i) Phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
  2. ii) Nội dung phải được thảo luận dân chủ và đồng thuận của các thành viên trong nhà trường.

iii) Thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người (thầy – thầy, thầy – trò, thầy – phụ huynh, trò – trò, trò – phụ huynh) và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan.

  1. iv) Phải được theo dõi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nội dung quy định khung xây dựng qui tắc ứng xử văn hóa trong trường học (theo Phụ lục 1 đính kèm).

  1. Xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học

3.1. Nguyên tắc xây dựng khẩu hiệu

– Hệ thống khẩu hiệu phải có nội dung, hình thức phù hợp với mỗi cấp học, điều kiện cụ thể của các vùng miền.

– Hệ thống khẩu hiệu vừa phải chuyển tải được các giá trị cần lưu truyền đến thế hệ sau, đồng thời cũng là lời hiệu triệu để mọi thành viên trong nhà trường suy ngẫm và cố gắng phấn đấu trong học tập và công tác để góp phần hoàn thiện bản thân và phát triển nhà trường.

– Khẩu hiệu trong nhà trường cần có nội dung ngắn gọn, thể hiện mục đích, ý nghĩa giáo dục, định hướng hành động cho các đối tượng trong nhà trường.

– Nội dung khẩu hiệu phải đảm bảo tính giáo dục, tính thực tiễn, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, ấn tượng; tính truyền thống và hội nhập; tính thẩm mĩ.

3.2. Yêu cầu xây dựng và sử dụng khẩu hiệu

– Khi xây dựng nội dung khẩu hiệu cần được phân loại theo cấp quản lý với tính bền vững tương ứng. Các sở GD&ĐT cần quy định một số khẩu hiệu chung phù hợp với mỗi cấp học, phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của địa phương.

– Ngôn ngữ trình bày là ngôn ngữ chính thống dùng trong nhà trường, không sử dụng từ địa phương, từ lóng; có thể sử dụng song ngữ trong một số trường hợp cụ thể nhưng tiếng Việt phải đặt trước các ngôn ngữ khác.

– Mỗi cấp học, trình độ đào tạo cần có những khẩu hiệu riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhà trường, của người học.

– Hình thức thiết kế khẩu hiệu tuỳ vào vị trí treo khẩu hiệu hoặc trang trí mỹ thuật phù hợp với cấp học. Vị trí đặt khẩu hiệu cần dễ quan sát, dễ đọc, không bị che khuất và phù hợp với nội dung tuyên truyền.

– Khẩu hiệu thể hiện thông điệp chính của nhà trường: Treo ở vị trí trung tâm trong khuôn viên nhà trường, ở phía trước bên ngoài.

– Khẩu hiệu dành cho giáo viên: Treo ở bên ngoài hoặc trong phòng hội đồng, trong lớp học (phía cuối lớp).

– Khẩu hiệu dành cho học sinh: Treo ở trong lớp (phía trên bục giảng) và ngoài lớp học.

– Những khẩu hiệu khác cần phù hợp với các khu vực hoạt động và không gian của nhà trường.

Định hướng xây dựng và sử dụng khẩu hiệu trong trường học (theo Phụ lục 2 đính kèm).

Bộ GDĐT đề nghị giám đốc các sở GD&ĐT, thủ trưởng các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm căn cứ tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa trường học lành mạnh, an toàn, thân thiện, góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức lối sống văn hóa cho trẻ em, HSSV và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Các sở GDĐT và các cơ sở đào tạo báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nói trên, các kiến nghị và đề xuất (nếu có) về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên) theo đường công văn và email: vdbinh@moet.gov.vn trước tháng 8 hàng năm.

 

Nơi nhận:

– Bộ trưởng (để b/cáo);

– Các sở giáo dục và đào tạo (để th/h);

– Các đại học, học viện, trường đại học,

CĐ sư phạm, TC sư phạm (để th/h);

– Các đơn vị liên quan thuộc Bộ (để th/h);

– Viện KHGD VN (để th/h);

– Lưu: VT, CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

(đã ký)

 

 

 

Nguyễn Thị Nghĩa

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

PHỤ LỤC 1

ĐỊNH HƯỚNG KHUNG QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG TRƯỜNG HỌC

(Ban hành kèm theo Công văn số………../BGDĐT-CTHSSV ngày……..tháng 01 năm 2017

của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

  1. Bộ quy tắc ứng xử văn hóa cần thể hiện được các mối quan hệ cơ bản sau:

1.1. Quan hệ ứng xử của người học

– Với bản thân người học.

– Với bạn bè.

– Với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong nhà trường.

– Với khách đến làm việc.

– Với gia đình.

– Với môi trường.

– Với cộng đồng xã hội.

1.2. Quan hệ ứng xử của nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên, người lao động.

– Với bản thân.

– Với trẻ em, học sinh, sinh viên.

– Với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp.

– Với cơ quan, trường học khác.

– Với người thân trong gia đình.

– Với cha mẹ người học.

– Với khách đến làm việc, các tổ chức khác và người nước ngoài.

– Với môi trường.

– Với cộng đồng xã hội.

 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

PHỤ LỤC 2

ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG VÀ SỬ DỤNG KHẨU HIỆU TRONG TRƯỜNG HỌC

(Ban hành kèm theo Công văn số………../BGDĐT-CTHSSV ngày……..tháng 01 năm 2017

của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

  1. Định hướng thiết kế khẩu hiệu

1.1. Đối với cấp học Mầm non

Để thuận lợi cho học sinh mầm non cảm nhận các ý nghĩa, khẩu hiệu phải kết hợp cả chữ và hình ảnh. Nội dung khẩu hiệu tập trung vào các vấn đề sau:

– Mối quan hệ giữa thầy cô giáo và trẻ em.

– Đạo đức, trách nhiệm của giáo viên.

– Tôn chỉ, mục đích của nhà trường.

– Môi trường sư phạm của trường mầm non.

– Giáo dục an toàn giao thông.

1.2. Đối với cấp Tiểu học

Khẩu hiệu trong nhà trường Tiểu học nên tập trung vào các nội dung như:

1.2.1. Đối với học sinh

– Giáo dục ý thức học tập.

– Giáo dục đạo đức, lối sống.

– Giáo dục bảo vệ môi trường.

– Giáo dục an toàn giao thông.

1.2.2. Đối với giáo viên

– Đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

– Mối quan hệ thầy – trò.

1.2.3. Đối với nhà trường

– Tôn chỉ, mục đích của nhà trường.

– Các phong trào thi đua của ngành Giáo dục.

– Nề nếp, kỉ cương của nhà trường.

1.3. Đối với cấp Trung học cơ sở

Các nội dung khẩu hiệu về cơ bản tương tự như ở Tiểu học, tuy nhiên ngôn ngữ thể hiện phải phù hợp với đối tượng học sinh THCS. Ngoài ra cần có thêm nội dung định hướng cho học sinh lên cấp THPT hoặc định hướng lập nghiệp.

1.4. Đối với cấp Trung học phổ thông

Nội dung khẩu hiệu tập trung vào các vấn đề:

1.4.1. Đối với học sinh

– Giáo dục ý thức, mục tiêu học tập.

– Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.

– Giáo dục bảo vệ môi trường.

– Giáo dục an toàn giao thông.

– Giáo dục ý thức lập thân, lập nghiệp.

1.4.2. Đối với giáo viên

– Đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

– Mối quan hệ thầy – trò.

1.4.3. Đối với nhà trường

– Tôn chỉ, mục đích của nhà trường.

– Các phong trào của ngành Giáo dục.

– Nề nếp, kỉ cương của nhà trường.

1.5. Đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học

Các cơ sở đào tạo cần sử dụng hệ thống khẩu hiệu phù hợp với đặc thù đào tạo ngành nghề; cơ bản cần thể hiện được các nội dung sau:

1.5.1. Đối với học sinh, sinh viên

– Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.

– Giáo dục tinh thần xung kích, sáng tạo của sinh viên.

– Thể hiện được mục tiêu lập nghiệp của sinh viên.

– Thể hiện các phong trào do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động trong sinh viên.

1.5.2. Đối với giảng viên

– Thể hiện đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

1.5.3. Đối với nhà trường

– Thể hiện được mục đích, tôn chỉ, đặc trưng của nhà trường.

– Thể hiện chất lượng trong mọi hoạt động của nhà trường.

– Thể hiện kỷ cương, nề nếp trong nhà trường.

  1. Khẩu hiệu và vị trí đặt khẩu hiệu

2.1. Cấp học Mầm non

2.1.1. Khuôn viên trường học

– Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con.

– Trường mầm non – Ngôi nhà ấm áp của bé.

2.1.2. Trong phòng học

– Cô giáo như mẹ hiền.

– Bé vui khoẻ – Cô hạnh phúc.

2.1.3. Trong phòng hội đồng (phòng họp)

– Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ.

– Bé vui đến trường.

2.2. Cấp Tiểu học

2.2.1. Khuôn viên trường học

– Thầy mẫu mực – Trò chăm ngoan – Trường khang trang – Lớp thân thiện

– Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

2.2.2. Trong phòng học

– Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và ảnh Bác Hồ.

– Thi đua Dạy tốt – Học tốt.

– Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực.

2.2.3. Trong phòng hội đồng (phòng họp)

– Tất cả vì học sinh thân yêu.

2.2.4. Trong thư viện

– Sách vừa là bạn, vừa là thầy.

2.3. Cấp Trung học cơ sở

2.3.1. Khuôn viên trường học

– Thầy mẫu mực – Trò chăm ngoan.

– Xây dựng trường khang trang – Mọi người thân thiện.

2.3.2. Trong phòng học

– Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và ảnh Bác Hồ.

– Thi đua Dạy tốt – Học tốt.

– Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực.

2.3.3. Trong phòng hội đồng (phòng họp)

– Tất cả vì học sinh thân yêu.

2.3.4. Khu nội trú

– Đoàn kết, kỷ cương, giúp nhau cùng tiến bộ.

2.3.5. Trong thư viện

– Học, học nữa, học mãi.

– Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai.

2.4. Cấp Trung học phổ thông

2.4.1. Khuôn viên trường học

– Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống.

2.4.2. Trong phòng học

– Thi đua Dạy tốt – Học tốt.

– Nghĩ tích cực – Học chăm ngoan – Làm việc tốt – Sống có ích.

2.4.3. Trong phòng hội đồng (phòng họp)

– Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực.

– Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

2.4.4. Trong thư viện

– Học, học nữa, học mãi.

– Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai

– Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em.

2.4.5. Trường phổ thông dân tộc nội trú

– Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.

2.5. Đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm

2.5.1. Khuôn viên trường học

– Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống.

– Tuổi trẻ đoàn kết, xung kích, sáng tạo, hội nhập, phát triển.

2.5.2. Trong phòng học

– Rèn đức, luyện tài vững bước tương lai.

– Học để sẵn sàng khởi nghiệp.

– Luôn vươn tới những đỉnh cao của tri thức và khoa học.

2.5.3. Trong phòng hội đồng (phòng họp)

– Có tài mà không có đức là người vô dụng – Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

2.5.4. Trung tâm Thư viện

– Học, học nữa, học mãi.

– Tri thức là sức mạnh.

– Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai.